image banner
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 285
  • Trong tuần: 18,885
  • Tất cả: 3,778,624
Giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương: Vun bồi tình yêu quê hương
Lượt xem: 262
Xác định tầm quan trọng của việc giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương đối với sự phát triển của giáo dục; với quá trình hình thành và phát triển nhân cách học sinh, những năm qua, công tác này đã được ngành giáo dục Cà Mau chú trọng, triển khai và đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Bên cạnh việc biên soạn bộ tài liệu giảng dạy địa lý địa phương dành cho các trường thuộc khối phổ thông, ngành giáo dục Cà Mau tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào mỗi tiết dạy.

Thầy Phan Văn Tọi, giáo viên giảng dạy lịch sử cho biết: giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại mà còn vun đắp tình yêu quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các em. Để học sinh hiểu rõ truyền thống của miền quê mình sinh sống, chúng tôi đã lồng ghép những câu chuyện lịch sử của quê hương một cách thích hợp vào bài giảng. Nhờ thế, những giờ học lịch sử không còn khô khan, mà trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh. Các em thêm yêu thích môn Lịch sử, hiểu thêm truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.

Cùng với việc thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan địa chỉ đỏ, các trường còn tuyên truyền về địa giới hành chính gắn với quá trình lịch sử phát triển của Cà Mau; truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương; những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước vì sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước…, giúp các em hiểu đầy đủ hơn về nơi mình đã sinh ra, lớn lên, sinh sống và học tập.

Thầy Quách Thành Tiến, tổ trưởng môn Địa trường THPT Thới Bình cho biết: Việc tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong trường học đã giúp học sinh hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc. Để giáo dục lịch sử địa phương có hiệu quả, chúng tôi đã mạnh dạn sử dụng thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, máy tính, bảng tương tác… để học sinh có thể dễ dàng tiếp thu những kiến thức khó nhớ. Ngoài ra, tổ chuyên môn còn tổ chức nhiều buổi học ngoại khoá cho giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện… Để tổ chức các buổi ngoại khoá thành công, bên cạnh việc lựa chọn các địa điểm, di tích phù hợp với lứa tuổi, nhà trường phải lên kế hoạch chu đáo, phối hợp với các bậc phụ huynh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Cô Phạm Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THCS Thới Bình cho biết: “Hiện nay, tài liệu giảng dạy địa phương đã được áp dụng vào giảng dạy ở trường. Nhờ có tài liệu này mà công tác giảng dạy được thuận lợi hơn, lúc trước chúng tôi phải tự tìm kiếm tài liệu nên gặp nhiều khó khăn. Với tài liệu hiện có, sẽ giúp học sinh hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi của tỉnh nhà. Từ đó, có ý thức xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp”.

Việc chú trọng giáo dục tài liệu địa phương trong các trường học ở Cà Mau còn góp phần hình thành nhân cách cho học sinh, khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc; tinh thần cần cù, dũng cảm, lao động sáng tạo; tinh thần hiếu học, lạc quan, đoàn kết, ý thức gắn kết cộng đồng...

Tác giả: Mỹ Hạnh