image banner
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)
Thống kê truy cập
  • Đang online: 97
  • Hôm nay: 3,023
  • Trong tuần: 16,506
  • Tất cả: 3,776,245
SUY NGHĨ VỀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC MÔN LỊCH SỬ
Lượt xem: 3775
Dạy và học Lịch sử chính là dạy và học làm người, là thông qua những câu chuyện, những bài học Lịch sử để giáo dục nhân cách, phẩm giá của con người. Học Lịch sử để hiểu đất nước và dân tộc mình, để hiểu những vinh quang, cay đắng mà các thế hệ tiền nhân đã đổ bao xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để từ những bài học quá khứ mà nhận biết giá trị của ngày hôm nay và hướng tới mai sau.

 

 

Trước thực trạng dạy và học Lịch sử những năm qua, giải pháp nào để “nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử Việt Nam trong chương trình phổ thông hiện nay”?

Theo chúng tôi không ngoài viết lại Sách Giáo khoa Lịch sử và đổi mới việc giảng dạy của Nhà giáo.

Về Sách Giáo khoa. Viết lại, viết đúng toàn bộ Sách Giáo khoa là yêu cầu bắt buộc. Hãy mạnh dạn thay đổi mới ngay từ mục đích viết Sử. Viết như thế nào để Lịch sử chân thực, sống động, như chính thời đại đã làm nên Lịch sử! Viết như thế nào để thổi hồn của cha ông, của dân tộc lắng đọng trong Lịch sử vào trái tim lớp trẻ.

Những “bài học” không đúng sự thật Lịch sử thì dứt khoát phải bỏ. GS Phan Huy Lê đã đăng bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số ra tháng 10 năm 2009 thừa nhận Lê Văn Tám là không có thật sao vẫn còn trong sách sử?

Trong Sách giáo khoa cần đưa nhiều hình ảnh, bản đồ…minh hoạ, in màu sắc sinh động gây hứng thú cho học sinh, nên  in đĩa đi kèm để học sinh được tiếp cận thông tin phong phú. Những nhân tố mang tính biểu tượng cao như anh hùng Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, … cần được đưa vào sách với nhiều dữ liệu hơn. Nên làm cả sách giáo khoa điện tử để học sinh học tập thuận tiện.

Về việc giảng dạy môn Lịch sử.

Đã là Nhà giáo làm công tác giảng dạy thì phải soạn Giáo án. Giáo án là sự chuẩn bị chu đáo của Nhà giáo trước khi lên lớp. Chính sự chuẩn bị cho bài giảng này mà Nhà giáo sẽ giảng dạy mạch lạc, khoa học, hấp dẫn và giúp cho học sinh tiếp thu bài học một cách tốt nhất. Khi đã có Giáo án tốt thì vấn đề tiếp theo đó là phương pháp và phong cách giảng dạy của Nhà giáo. Nhà giáo cần phải tìm ra và sử dụng những phương pháp dạy học tối ưu, trong đó cần đặc biệt chú  ý sử dụng phương pháp dạy học mới: phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Kết hợp khai thác sử dụng Công nghệ thông tin như một phương tiện hỗ trợ hữu hiệu.  Đồng thời trong giảng dạy, giáo viên chú ý lồng ghép những câu chuyện liên quan đến nhân vật, sự kiện, tạo hứng thú cho học sinh.

 Nhà giáo hãy dạyLịch sử của dân tộc giống như một câu truyện, có mở đầu, cao trào và kết thúc, như vậy sẽ dễ thâm sâu vào trí nhớ học sinh.

Những câu truyện lịch sử từ những “nhân chứng sống” cần được triệt để khai thác. Trên đất nước Việt Nam ta “ra ngõ gặp anh hùng”. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng trong kháng chiến, anh hùng trong thời kỳ đổi mới là “tư liệu sống” vô cùng quý giá. Họ sẽ giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử từ những câu chuyện từ người thật việc thật sống động, hấp dẫn, đầy thuyết phục từ chính cuộc đời họ đã trải qua.

Nhà giáo tuỳ theo từng bài, nên giảng dạy bằng hình ảnh, phim tư liệu, vẽ bản đồ hay cho học sinh đi tham quan thực tế…Chắc chắn sẽ hấp dẫn, dễ khắc sâu vào trí não học sinh, hoàn toàn khác với việc “đọc - chép” diễn biến trận đánh bằng những đoạn văn mô tả khô khan, nặng nề số liệu.

Với bản lĩnh, chuyên môn sâu, phương pháp giảng dạy tốt, giao viên cần cho sọc sinh cái nhìn đa chiều về Lịch sử. Trên bốn  nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã qua biết bao thăng trầm. Những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... “ lừng lẫy năm châu”, nhưng học sinh cần biết những thất bại đau xót trong công cuộc giữ nước của An Dương Vương thời quốc gia Âu Lạc, Hồ Quý Ly đầu thế kỷ XV và Triều Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX. Đó là  một kho tư liệu sinh động chứa đựng những bài học, kinh nghiệm “bi”, “hùng” của dân tộc ta, để các em luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về  phía học sinh, Nhà giáo cần hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị  bài trước, xem bài trước thì khi lên lớp, học  sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Nhà giáo phải thường xuyên kiểm tra để đưa học sinh vào nền nếp, coi việc chuẩn bị bài là việc tất yếu phải làm. Có nghĩa là phải tăng cường cho học sinh làm việc với sách giáo khoa nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Đối với học sinh THPT, Nhà giáo tăng cường cho học sinh làm việc theo nhóm, giao cho nhóm học sinh sưu tầm và làm bài tập theo dạng đề tài khoa học với yêu cầu ở mức độ vừa phải, hướng dẫn học sinh lên mạng tìm kiếm thông tin, sau đó cho thuyết trình, tranh luận… điều đó sẽ giúp học sinh có kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin và sẽ học tốt môn Lịch sử.

Dạy và học Lịch sử chính là dạy và học làm người, là thông qua những câu chuyện, những bài học Lịch sử để giáo dục nhân cách, phẩm giá của con người. Học Lịch sử để hiểu đất nước và dân tộc mình, để hiểu những vinh quang, cay đắng mà các thế hệ tiền nhân đã đổ bao xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để từ những bài học quá khứ mà nhận biết giá trị của ngày hôm nay và hướng tới mai sau./.

                                                                                               

 

Tác giả: Trần Lượng